Bệnh giang mai
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Tỉ lệ mắc bệnh giang mai trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhóm quan hệ đồng giới nam, phụ nữ có thai, bệnh nhân có HIV, quan hệ tình dục không an toàn.
Bệnh lây truyền qua đường nào?
Qua quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo, hậu môn, miệng)
Qua các vết trầy xước trên da, niêm mạc tiếp xúc với tổn thương giang mai
Qua đường từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai
Nhận biết
Thời kỳ 1:
Thời gian ủ bệnh 3-4 tuần. Sau đó xuất hiện vết loét vùng sinh dục, miệng, hạch bẹn. Vết loét này gọi là săng giang mai. Săng giang mai có dạng một vết trợt nông, hình bầu dục, tròn, không nổi gờ cao, bóp không đau, xuất hiện ở vùng sinh dục. Cũng có thể gặp săng giang mai vùng miệng, môi, lưỡi.
Thời kỳ 2:
45-60 ngày sau khi xuất hiện săng giang mai, có thể kéo dài đến 2-3 năm sau. Xuất hiện sẩn hồng đỏ, nâu đỏ hình tròn, bầu dục ở nhiều vị trí như lòng bàn tay, bàn chân. Có thể có sốt, ho, đau họng, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, sút cân, rụng tóc từng mảng.
Thời kỳ 3:
Xoắn khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể nhưng không có triệu chứng. Cần xét nghiệm máu để tìm khuẩn giang mai.
Thời kỳ 4:
15-30% ca bệnh không được chữa trị sẽ chuyển sang giai đoạn trễ. Thường xảy ra sau khi nhiễm giang mai 10-30 năm. Giai đoạn giang mai trễ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới các tổ chức cơ quan quan trọng như tim, não bộ, hệ thần kinh, xương khớp, mạch máu, mắt gây mù lòa, sa sút trí tuệ, khiếm thính và có thể dẫn tới tử vong.
Lưu ý:
Cần tầm soát:
Tất cả thai phụ cần tầm soát giang mai trong 3 tháng đầu thai kỳ
Trẻ sơ sinh có mẹ mắc giang mai trong thời gian mang thai
Bệnh nhân có HIV hoặc đang mắc các bệnh lây truyền đường tình dục khác
Người có nhiều bạn tình
Quan hệ tình dục đồng giới
Người có bạn tình mắc bệnh giang mai
Người có quan hệ tình dục không an toàn
Phòng ngừa
Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh
Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ
Hạn chế quan hệ tình dục cho tới khi đã hoàn toàn khỏi bệnh.