Hẹp bao quy đầu

Thẻ: , , , , | Comments: 0 | Tháng Hai 9th, 2022

Nhiều nam giới muốn cắt bao quy đầu vì tưởng rằng làm vậy giúp kéo dài thời gian cương.

Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu có thể không cần điều trị trừ khi gây tiểu khó, đau…

Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng bao quy đầu không thể tuột lên (kéo về phía sau) khỏi khấc đầu dương vật. Hẹp bao quy đầu có thể gặp ở những bé trai chưa cắt bao quy đầu, nhưng thường trẻ tự tuột được sau 3 tuổi.

Hẹp bao quy đầu có thể xảy ra tự nhiên hoặc do sẹo. Các bé trai có thể không cần điều trị hẹp bao quy đầu trừ khi tình trạng này gây tiểu khó khăn hoặc các triệu chứng khác.

Các triệu chứng hẹp bao quy đầu

Đến khoảng 17 tuổi, hầu hết nam giới tuột được bao quy đầu ra dễ dàng

Triệu chứng chính của hẹp bao quy đầu là không thể kéo da quy đầu sau tuổi lên 3. Bao quy đầu thường giãn ra theo thời gian, nhưng quá trình này có thể lâu hơn ở một số bé trai. Đến khoảng 17 tuổi, một bé trai sẽ có thể dễ dàng tự tuột bao quy đầu ra.

Một triệu chứng thường gặp khác của hẹp bao quy đầu là phồng bao quy đầu khi đi tiểu.

Nguyên nhân hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu có thể xảy ra tự nhiên. Đến nay vẫn chưa rõ tại sao hẹp bao quy đầu xảy ra ở một số bé trai mà không ở những trẻ khác. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu bao quy đầu bị cố gắng tuột ra trước khi kịp giãn. Điều này có thể gây hại cho da quy đầu và để lại sẹo, khiến cho việc kéo bao quy đầu trở nên khó khăn hơn sau này.

Viêm hoặc nhiễm trùng bao quy đầu hoặc đầu dương vật (quy đầu) có thể gây hẹp bao quy đầu ở trẻ em trai hoặc nam giới trưởng thành. Viêm quy đầu đôi khi là kết quả của vệ sinh kém hoặc nhiễm trùng bao quy đầu.

Một trong những bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm hẹp bao quy đầu được gọi là lichen xơ hóa. Đó là tình trạng da thay đổi do đáp ứng miễn dịch bất thường hoặc mất cân bằng nội tiết tố. Các triệu chứng có thể bao gồm các đốm hoặc mảng trắng trên bao quy đầu. Da có thể bị ngứa và dễ rách.

Khi nào cần khám hẹp bao quy đầu?

Nếu ngứa, sưng, đau bao quy đầu hoặc bao quy đầu trở ngại việc cương và đi tiểu, người bệnh cần gặp bác sĩ.

Một số trường hợp hẹp bao quy đầu có thể không cần điều trị, đặc biệt là ở các bé trai. Nếu bé trai nếu không có triệu chứng hoặc biến chứng do hẹp bao quy đầu gây ra, phụ huynh có thể chờ xem liệu tình trạng này có tự giải quyết hay không khi bé trai lớn hơn.

Nếu hẹp bao quy đầu gây trở ngại cho việc cương cứng hoặc đi tiểu, hoặc nếu có các triệu chứng khác, người bệnh cần gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.

Nhiễm trùng quy đầu hoặc bao quy đầu tái phát cũng cần được bác sĩ đánh giá. Các dấu hiệu của nhiễm trùng có thể bao gồm:

-Thay đổi màu sắc của quy đầu hoặc bao quy đầu

-Sự hiện diện của các đốm hoặc phát ban

-Đau

-Ngứa

-Sưng phù

Điều trị hẹp bao quy đầu

Những trường hợp bị hẹp nặng, có thể cần cắt bao quy đầu

Bác sĩ khám thực thể và xem xét các triệu chứng thường đủ để chẩn đoán hẹp bao quy đầu hoặc một bệnh lý tiềm ẩn, như viêm bao quy đầu.

Để bắt đầu điều trị viêm bao quy đầu hoặc các nhiễm trùng vùng quy đầu, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm để xác định tác nhân. Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh, còn nếu nhiễm nấm bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng nấm.

Nếu không nhiễm trùng hoặc bệnh khác gây ra hẹp bao quy đầu, có thể có một số lựa chọn điều trị. Tùy thuộc vào mức độ hẹp, tuột bao quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày có thể đủ để làm giãn. Bôi kem có steroid tại chỗ có thể giúp làm mềm bao quy đầu và tuột dễ dàng hơn. Kem có steroid được bôi vào vùng xung quanh quy đầu và bao quy đầu hai lần mỗi ngày trong vài tuần.

Trong những trường hợp hẹp nặng hơn, có thể cần cắt bao quy đầu cho người bệnh. Cắt bao quy đầu là việc cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần bao quy đầu. Cắt bao quy đầu thường được thực hiện ở trẻ sơ sinh, thủ thuật này cũng có thể được thực hiện trên nam giới ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Cắt bao quy đầu cũng có thể cần thiết nếu người bệnh bị viêm quy đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Hẹp bao quy đầu (phimosis) so với bán hẹp bao quy đầu (paraphimosis)

Bán hẹp bao quy đầu có thể xảy ra khi bao quy đầu tuột lên nhưng không thể di chuyển trở lại vị trí bao phủ quy đầu

Một tình trạng được gọi là bán hẹp bao quy đầu (paraphimosis) cũng có thể xảy ra khi bao quy đầu tuột lên nhưng không thể di chuyển trở lại vị trí bao phủ quy đầu. Tình trạng thắt nghẹt này có thể cần chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Một biến chứng của bán hẹp bao quy đầu (paraphimosis) là giảm lưu lượng máu đến phần đầu dương vật.

Các lựa chọn điều trị cho bán hẹp bao quy đầu (paraphimosis) tương tự như hẹp bao quy đầu. Bác sĩ có thể hướng dẫn cách sử dụng các loại kem bôi hoặc kem làm ẩm da để bôi trơn quy đầu và bao quy đầu, giúp tuột bao quy đầu trở lại. Bạn nên thảo luận với bác sĩ (có thể tư vấn từ xa qua điện thoại hoặc cuộc gọi video) trước khi thực hiện phương pháp này.

Nếu tình trạng thắt nghẹt bao quy đầu diễn tiến tiếp tục trong vài giờ, thay đổi màu sắc hoặc có cảm giác đau dương vật, người bệnh cần phải đến bệnh viện cấp cứu tức thời. Cắt bao quy đầu hoặc cắt một phần bao quy đầu có thể loại bỏ nguy cơ thắt nghẹt bao quy đầu. Hãy tư vấn kỹ về rủi ro và lợi ích của thủ thuật này và cách chăm sóc sau cắt bao quy đầu với bác sĩ.

Tiên lượng

Kéo lộ quy đầu nhẹ nhàng khi tắm để vệ sinh

Nếu việc kéo da qua quy đầu hàng ngày là đủ để làm giãn bao quy đầu, thì chỉ cần kéo lộ quy đầu nhẹ nhàng khi tắm hoặc đi tiểu đủ để giữ cho dương vật khỏi các biến chứng do vệ sinh kém.

Hẹp bao quy đầu có thể gây biến chứng viêm nhiễm, một tình trạng nghiêm trọng và đau đớn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể điều trị được và kết quả thường rất tốt. Điều quan trọng là người bệnh cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ khi các triệu chứng trở nên rõ ràng.

Phụ huynh cũng nên nhớ rằng mỗi bé trai phát triển với một tốc độ khác nhau và theo nhiều cách khác nhau một cách. Nếu trong gia đình có một người con trai bị hẹp bao quy đầu, phụ huynh không nên suy đoán các bé trai còn lại cũng sẽ mắc hẹp da quy đầu tương tự.

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước

Khoa Nam Học Bệnh viện Bình Dân

Cập nhật nội dung y khoa tháng 02 năm 2022

Tài liệu tham khảo

Choe JM. (2000). Paraphimosis: Current treatment options.
drplace.com/Paraphimosis_Current_Treatment_Options.16.26276.htm

Monsour MA, et al. (1999). Medical management of phimosis in children: Our experience with topical steroids. DOI: 10.1016/S0022-5347(01)68112-6

Ngan V. (2003). Balanitis.
dermnetnz.org/topics/balanitis/

Phimosis. (n.d.).
urology.ucsf.edu/patient-care/children/phimosis

Phimosis and paraphimosis in children. (n.d.).
urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P03104

Shahid S. (2012). Phimosis in children.

DOI: 10.5402/2012/707329

Tight foreskin. (2015).
nhs.uk/conditions/phimosis/Pages/Introduction.aspx